Skip to content Skip to left sidebar Skip to right sidebar Skip to footer

2 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. HCM cần phấn đấu thu đạt 48.000 tỷ đồng

Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh phía Nam, chiều ngày 11/11, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Tổng cục Thuế đã làm việc với Cục Thuế TP.HCM về tình hình thu ngân sách 10 tháng và các biện pháp thực hiện công tác thuế 2 tháng cuối năm.

Nhiều khoản thu giảm so với cùng kỳ năm 2019

Báo cáo với đoàn công tác, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Lê Duy Minh cho biết: tổng thu nội địa 10 tháng đầu năm đạt 207.447 tỷ đồng, bằng 71,3% dự toán, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thu nội địa trừ dầu đạt 198.167 tỷ đồng, bằng 71,12% dự toán, giảm 8,07% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô đạt 9.280 tỷ đồng, bằng 76,07% dự toán, giảm 50% so cùng kỳ. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đạt 125.240 tỷ đồng, đạt 69,09% dự toán năm, giảm 6,33% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10/2020, thu đạt 20.332 tỷ đồng, đạt 11,22% dự toán thu từ khu vực kinh tế năm 2020. Đây cũng là tháng có tỷ lệ thu cao nhất so với dự toán kể từ tháng 2/2020.

Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác thu ngân sách khiến một số khoản thu giảm mạnh so với cùng kỳ như: thu thuế bảo vệ môi trường giảm 7,5%; thu lệ phí trước bạ giảm 26,8%; thu phí, lệ phí giảm 16,4%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước giảm 9,92%; thu tiền sử dụng đất giảm 49,32%; thu khác ngân sách giảm 28,57%. Bên cạnh đó, nguồn thu còn bị tác động mạnh do ngành thuế thực hiện các giải pháp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP và gia hạn nộp thuế TTĐB theo Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ. Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, Cục Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Cục Thuế đã rà soát tình hình ngưng, nghỉ, giải thể của doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19; đánh giá rà soát nguồn thu bị ảnh hưởng của từng DN, từng khu vực kinh tế; thống kê tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị này trong các năm trước liền kề, để nắm bắt số liệu, dự kiến nguồn thu giảm trong từng tháng của năm 2020. Cơ quan thuế các cấp đã chủ động rà soát tình hình khai nộp thuế của doanh nghiệp, đôn đốc kê khai hồ sơ quyết toán thuế và nộp kịp thời số phát sinh chênh lệch quyết toán năm 2019 vào NSNN, nhất là đối với các trường hợp không thuộc diện gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP.

Trong 10 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thực hiện thanh, kiểm tra tại 15.277 DN, qua đó truy thu và phạt là 2.916 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 65 tỷ đồng, giảm lỗ 18.171,7 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan thuế đã thực hiện 14.352 lượt kiểm tra tại trụ sở DN. Truy thu và phạt là 1.724 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT là 271 tỷ đồng, giảm lỗ 13.395 tỷ đồng; thực hiện kiểm tra 41.205 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, yêu cầu kê khai bổ sung 48 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra 925 hồ sơ, tăng 59% so với cùng kỳ. Qua đó truy thu và phạt là 1.192 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Bình quân thu ngân sách 1.291 triệu đồng/cuộc thanh tra. Cũng trong 10 tháng đầu năm, Cục Thuế đã đôn đốc thu hồi được 4.753 tỷ đồng tiền nợ thuế về cho NSNN.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng chức năng của Cục Thuế cũng như các Chi cục Thuế đã báo cáo sâu hơn về tình hình thu ngân sách đối với từng khoản thu, sắc thuế cũng như đề xuất các giải pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách những tháng cuối năm.

 2 tháng cuối năm, Cục Thuế cần phấn đấu thu đạt 48.000 tỷ đồng

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đã chúc mừng đồng chí Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP HCM đã trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ TP. Điều này thể hiện rõ vai trò, vị thế quan trọng của ngành thuế. Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh, Cục Thuế TP. HCM hiện đang quản lý hơn 250.000 DN, 220.000 hộ kinh doanh và hiện là đơn vị có quy mô số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Tuy nhiên trong những năm qua, Cục Thuế đã liên tục cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao, với số thu năm sau tăng so với năm trước. 10 tháng đầu năm mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Cục Thuế đã phấn đấu thu đạt 75,9% so với dự toán, bằng 94,3% so với cùng kỳ (nếu tính cả số thuế đã gia hạn). Kết quả này là sự cố gắng rất lớn của Cục Thuế TP HCM trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và số thu bị giảm do một số cơ chế, chính sách về gia hạn, giảm thuế; giảm sản lượng bia, rượu; giá dầu thô thế giới giảm mạnh.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng trong 2 tháng cuối năm, Cục Thuế TP. HCM có thể thu đạt 48.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, Cục Thuế cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, theo đó, đối với công tác quản lý nợ thuế, Cục Thuế cần xây dựng một kế hoạch thu nợ cụ thể, phân công trực tiếp cho lãnh đạo và cán bộ quản lý làm việc trực tiếp với từng DN nợ để có giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế hiệu quả. Cơ quan thuế các cấp cần thu dứt điểm nợ mới phát sinh dưới 90 ngày tại thời điểm cuối tháng 10; đôn đốc kịp thời các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn. Thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế đối vớ những đơn vị nợ thuế trên 90 ngày. Đẩy nhanh việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Về công tác thanh kiểm tra, Cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, theo đó cần rà soát, phân tích và lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn để xây dựng chuyên đề thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế kết hợp với in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về hóa đơn và xử lý theo quy định. Trong thời gian tới, việc tổ chức triển khai công tác thanh, kiểm tra từ khâu phân tích rủi ro đến khi ban hành quyết định xử lý vi phạm về thuế qua thanh, kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình, nhanh gọn, đầy nhanh tiến độ thực hiện về số lượng, chất lượng cuộc thanh, kiểm tra, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã được giao.

Đối với các hộ kinh doanh, Cục Thuế cần quan tâm đến mức khoán bình quân, thực hiện khảo sát điều chỉnh thuế khoán phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh, đặc biệt là tại các chi cục thuế có mức thuế khoán bình quân thấp. Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ vừa và hộ cá nhân kinh doanh cần phối hợp với Cục Thuế đẩy nhanh việc nộp thuế qua mạng đối với hộ cá nhân, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao./.

Nguồn: http://www.gdt.gov.vn (11/11/2020)