Skip to content Skip to left sidebar Skip to right sidebar Skip to footer

Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế

Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, nội dung quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được quy định cụ thể hơn so với Luật Quản lý thuế trước đây, cụ thể:

1. Về cơ sở dữ liệu sử dụng cho phương pháp xác định giá tính thuế: Trước đây, tại Luật Quản lý thuế trước đây chưa có định nghĩa về cơ sở dữ liệu thương mại. Do vậy, mặc dù các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có đề cập đến việc sử dụng cơ sở dữ liệu này trong việc xác định giá giao dịch giữa các bên liên kết, trong APA nhưng cơ sở pháp lý còn chưa cao. (Trước khi Luật Quản lý thuế năm 2019 được ban hành chỉ có quy định về cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017, trong đó cơ sở dữ liệu thương mại là một nguồn dữ liệu được sử dụng).

Khi Luật Quản lý thuế ra đời, quy định về cơ sở dữ liệu thương mại đã được định nghĩa cụ thể, được Người nộp thuế cung cấp cho Cơ quan thuế để sử dụng trong công tác quản lý thuế, cụ thể trong cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại cần có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý.

2. Về thẩm quyền phê duyệt cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế: Tại Luật Quản lý thuế trước đây chưa quy định cụ thể về thẩm quyền phê duyệt APA mà giao Chính phủ quy định cụ thể. Hiện nay, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết hồ sơ APA được quy định tại Điều 6 Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Tại Luật Quản lý thuế mới, nội dung này được ngay vào nguyên tắc khai thuế đối với cơ chế APA, thẩm quyền phê duyệt APA, cụ thể:

– APA đơn phương: Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện.

– APA song phương/ đa phương: thực hiện như điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Theo đó, các nội dung thỏa thuận thuộc thẩm quyền quy định tại cấp nào thì cấp đó có thẩm quyền phê duyệt (thỏa thuận APA về thuế TNDN của Người nộp thuế thực hiện theo Luật Thuế TNDN và các Nghị định hướng dẫn, theo đó cần có sự phê duyệt của Chính phủ, Quốc hội).

Như vậy, hiện nay các điều kiện áp dụng cơ chế APA đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Luật Quản lý thuế mới. Theo đó, Cơ quan thuế cần tuân thủ và rà soát chặt chẽ các điều kiện này để đảm bảo việc thực hiện cơ chế APA theo đúng thẩm quyền, quy định.

Chi cục Thuế Quận 1