Nghiên cứu, sửa đổi một số chính sách thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu
Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021 vừa được Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính ban hành đó là, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu.

Xác định 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức, đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, cùng với việc điều hành chính sách tài khóa hiệu quả, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, cần đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước.
Trong đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu; rà soát, xây dựng, triển khai các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính nhằm cải thiện chỉ số nộp thuế và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới trong đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam; phấn đấu chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lên 8-10 bậc; chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 10-15 bậc.
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN… Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và quy hoạch phát triển các cơ quan báo chí ngành tài chính; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn…
Nguồn: http://tapchithue.com.vn (14/01/2021)