Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội
Ngày 15/07/2020, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.
Chi cục Thuế Quận 1 trân trọng giới thiệu đến người nộp thuế một số nội dung chính như sau:
Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế còn nợ phát sinh trước ngày 01/07/2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Thông tư quy định chi tiết hồ sơ cửa từng đối tượng người nộp thuế được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm:
- Hồ sơ đối với người nộp thuế đã chết
- Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết
- Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là mất tích
- Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là mất năng lực hành vi dân sự
- Hồ sơ đối với người nộp thuế giải thể
- Hồ sơ đối với người nộp thuế phá sản
- Hồ sơ đối với người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh
- Hồ sơ đối với người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề
- Hồ sơ đối với người nộp thuế đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế
- Hồ sơ đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ
- Hồ sơ đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán
Đối với trình tự và thủ tục khoanh, xoá nợ, Thông tư quy định công chức thuộc bộ phận quản lý nợ phối hợp với các bộ phận liên quan lập đầy đủ hồ sơ khoanh/xoá nợ; bộ phận nghiệp vụ pháp chế có trách nhiệm thẩm định trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc tiếp theo, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, bộ phận quản lý nợ tổng hợp, trình chi cục trưởng, cục trưởng cục thuế/hải quan xem xét ban hành quyết định khoanh/xoá nợ.
Trong trường hợp hồ sơ xoá nợ lập chưa đúng, đầy đủ, hoặc không thuộc đối tượng xóa nợ, thì tương ứng trong thời hạn 5 và 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận phải thông báo cho người nộp thuế, hoặc cơ quan quản lý thuế đã lập hồ sơ.
Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xoá nợ, người có thẩm quyền phải ban hành quyết định xoá nợ phù hợp với từng đối tượng.
Đối với hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, cục trưởng, chi cục trưởng cơ quan Thuế/Hải quan quản lý trực tiếp người nộp thuế, hoặc quản lý khoản thu ban hành quyết định khoanh nợ.
Quyết định có các nội dung chủ yếu như thời gian ban hành; tên, mã số thuế, địa chỉ của người nộp thuế; tiền thuế được khoanh nợ; cơ quan ban hành. Quyết định phải được gửi cho cơ quan đăng ký kinh doanh, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập để theo dõi và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý thuế khi người nộp thuế đã được khoanh nợ quay lại sản xuất kinh doanh, hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới.
Thông tư cũng quy định rõ, chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định khoanh/xóa nợ phải được nhập vào ứng dụng quản lý thuế để theo dõi và gửi bản sao cho các bộ phận có liên quan hạch toán và điều chỉnh lại số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trên ứng dụng (nếu có).
Đây cũng là thời gian tối đa để hoàn thành đăng tải các quyết định khoanh nợ trong thời gian 30 ngày trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế, hoặc Cục Hải quan.
Riêng trong trường hợp xoá nợ thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế/Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ thì quyết định được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cục Thuế, hoặc Tổng cục Hải quan/Cục Hải quan. Đối với quyết định xoá nợ thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh thì đăng tải trên trang thông tin điện tử của cục Thuế/cục Hải quan.
Đối với trường hợp đã ban hành quyết định khoanh, xóa nợ nhưng không đúng quy định; hay trường hợp quay lại sản xuất kinh doanh và thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới (trừ đối tượng được quy định tại Khoản 6, 7 Điều 4 của Nghị quyết), Thông tư nêu rõ các thủ tục, trình tự huỷ quyết định khoanh, xoá nợ tại chương IV.
Ngoài ra, cơ quan Thuế và Hải quan còn có trách nhiệm lập các loại báo cáo về tình hình thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Đồng thời, xây dựng ứng dụng để hỗ trợ việc theo dõi, tổng hợp kết quả khoanh, xoá nợ trong toàn ngành.
Xem nội dung chi tiết Thông tư 69/2020/TT-BTC: Tải về